Website chính thức của nhạc sĩ Phạm Tuyên 12/01/2022

Bài viết về tình mẫu tử của nhạc sĩ Phạm Tuyên và người mẹ thân yêu của mình qua giọng kể của con gái út Ông

12/03/2022 601

Bài viết về tình mẫu tử của nhạc sĩ Phạm Tuyên và người mẹ thân yêu của mình qua giọng kể của con gái út Ông

Hôm nay 29 tháng Giêng âm lịch - ngày giỗ bà nội, bà rời cõi tạm cũng suýt soát 70 năm rồi (1953).

Mình lại chia sẻ một bài viết cũng đã được in sách năm ngoái ( cuốn "Mẹ và con" - Nxb Trẻ) - câu chuyện về bà nội qua ký ức của Bố.

"Từ thuở còn nhỏ xíu tôi đã được bố kể về bà nội, những lời kể vẫn còn được nhớ mãi đến bây giờ:

"Bà nội là con gái Bắc Ninh, đẹp lắm, mặt tròn vành vạnh...."

Bà tên tục con gái là Lê Thị Vân, chị gái cả của một em trai và một em gái, quê trước thuộc Bắc Ninh, nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông và bà lấy nhau từ rất sớm, khi cà hai mới 19 tuổi, và bà đã thật "kỳ tích" khi sinh cho ông tới ... 16 người con, 3 người mất hồi nhỏ, còn lại 13 người, 8 gái 5 trai, mà cả nhà vẫn yêu quý ví von là 8 nàng tiên và 5 chú voi. Thế là trong vòng 27 năm, từ 1911 đến 1938, những người con lần lượt ra đời, bố tôi thuộc loại út ít, vì là con thứ 9, ấy vậy vẫn có tới 4 em, 3 em gái, 1 em trai.

Tôi còn nhớ chuyện về việc bà đẻ 2 cô chú út của gia đình: Lúc đó bà đã 44 tuổi, lại sinh nở nhiều lần, sức khoẻ giảm sút, nhưng bà kể bà nằm mơ thấy một chú bé, da trắng, môi đỏ, xinh ơi là xinh, cứ chạy theo kiệu... Y như rằng lần ấy bà sinh hạ được cậu con giai hệt trong mộng, đặt tên Phạm Tuân, nhưng cả nhà gọi nựng là "chú mình", do lúc ấy ở Huế nên gọi trệch thành "chú miềng". Lâu dần mọi người chả ai gọi tên thật, mà cứ gọi chú Miềng ( đến bây giờ chú U90 rồi nhưng gia đình ai cũng gọi chú Miềng, trẻ con thì gọi ông Miềng, nghe rất thân thương). Sau khi đẻ cậu con giai thứ 5 này bà bị bác sĩ cảnh báo không được đẻ nữa, do đã chớm bệnh tim, rất nguy hiểm... Ấy vậy mà 2 năm sau bà vẫn "cố" nốt cô út, thật nể quá cơ! Cô út được đặt tên là Viên vì mặt tròn ( viên tròn mà), càng lớn cô lại càng giống bà, giống nhất trong các cô con gái!

Tôi hỏi bố:

-Bà nội có chiều bố không, bố cũng thuộc loại út ít mà?

-Bà cũng chiều bố đấy, vì... bố sinh ra trong một cái bọc..

À, câu chuyện bố tôi khi sinh ra có chút khác thường cũng là một câu chuyện tôi hay nhớ từ thuở nhỏ. Bố sinh ở nhà thương phố Hàng Trống, và đặc biệt vì có một cái màng bao bọc, người ta phải rạch cái màng đó mới lấy được bố ra. Nghe nói những người sinh ra trong bọc thì hay có tài, điều này vậy là đúng với bố tôi rồi.... Bà nội thì nghĩ những đứa trẻ sinh trong bọc sẽ khó nuôi, vì thế mà bà có vẻ chiều bố hơn những anh chị em khác.

Bố tôi nhớ nhất là bà tuy đông con nhưng lại rất rõ sở thích, đam mê của từng đứa một, như bố tôi thích nhạc, đánh đàn, đóng kịch...

Bố tôi bảo:

-Bà thuộc hết cả 2300 câu Kiều cơ đấy, mà còn dùng các câu ấy vận dụng vào các tình huống của cuộc sống và giảng giải cho các con biết.

Có lẽ điều này tạo cảm hứng cho ông nội tôi viết câu bất hủ: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, Tiếng ta còn, nước ta còn" chăng?

Ấy thế mà ... là vợ của một học giả nổi tiếng nhưng bà nội tôi không biết chữ. Bù lại, bà có một trí nhớ tuyệt vời, thuở đó bà được giao làm chân thủ quỹ của một hội từ thiện, cứ sau mỗi lần họp mặt bà về nói lại để ông tôi ghi chép vào sổ sách, không sót một chút nào. Bà cũng nhớ rất nhiều tục ngữ ca dao, điều đó góp phần đắc lực để ông viết nên cuốn sách về Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam.

Năm bố tôi 15 tuổi gia đình gặp biến, ly tán, tan tác. Từ Hà Nội bố tôi xuống Ninh Bình thi tú tài, rồi lên Việt Bắc... Bố tôi xa bà nội từ đó và.. không bao giờ gặp lại người mẹ yêu dấu nữa.

Sau ngày giải phóng thủ đô năm 1954, bố trở về Hà Nội, lúc này mới biết tin bà mất đã mấy năm. Tôi vẫn nhớ chuyện bố kể rằng thi thể bà được phủ chè khô khắp quan tài, 3 năm trôi qua, đến kỳ bốc mộ thì xác bà vẫn còn nguyên.... ( chẳng hiểu sao chuyện đấy cứ ám ảnh tôi mãi)

Bà nội được chôn cất ở nghĩa trang cạnh hồ Thủ Lệ, bên cạnh bà là 2 người cháu ngoại bà yêu quý nhưng đoản mệnh (là chị Mỹ con bác Bình - con gái đầu và anh Khôi, con bác Hảo, con gái thứ 3 của bà). Sau này thành phố xây công viên Thủ Lệ, mộ bà được chuyển lên Bất Bạt. Năm tháng qua đi, Bất Bạt ngày càng đông, mộ xây chen lấn, san sát, giữa các hàng mộ không còn chỗ để đứng thắp hương nữa. Mỗi lần đi tảo mộ dịp thanh minh, bố tôi, tuổi cao, sức yếu, muốn đứng trước mộ mẹ mình cũng khó... Ông cứ ân hận và cảm thấy khổ tâm..

Đến năm 2014, gia đình tôi dựng bia tưởng niệm ông nội tại khu lăng Quỳnh ở quê nhà - làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (lấy chân hương từ mộ ông ở chùa Vạn Phước, thành phố Huế). Khu lăng mộ gia đình đã được xây dựng đẹp đẽ, và mộ bà nội được đưa về để bà có thể thảnh thơi giữa quê nhà bên những người thân yêu. Và... người con trai thứ 4 yêu quý của bà, ở tuổi xưa nay hiếm trên 90, chỉ có một nguyện vọng mai này được về quê cha đất tổ ... Ông đã chuẩn bị sẵn "chỗ" cho mình ngay gần những người phụ nữ ông vô cùng yêu quý - là Mẹ, Vợ và Con gái cả....

Chỉ được sống cùng mẹ những năm đầu của cuộc đời, nhưng bố tôi luôn cảm được trọn vẹn tình mẫu tử. Những câu ca dao, tục ngữ, những câu Kiều đã theo ông cả tuổi ấu thơ và giúp ông viết nên những khúc hát ru, những bài đồng dao nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ bà mẹ, trẻ em. Hơn tất cả, TÌNH CẢM GIA ĐÌNH, thứ quý báu nhất ông được truyền từ Cha Mẹ, lại tiếp tục được truyền cho con cháu, và chắc chắn sẽ còn mãi mãi...."

Bài viết liên quan